Ở Trung Quốc và Việt Nam, Tết Trung thu chủ yếu là dịp quây quần bên gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, tùy theo quốc gia và khu vực, những truyền thuyết và huyền thoại về trăng rằm, hay trăng trong mùa thu hoạch sẽ khác nhau. Nhân viên thư viện đã chia sẻ truyền thống đón Tết Trung Thu của mình với cộng đồng thư viện.
Truyền thuyết nổi tiếng về Chú Cuội, người trên mặt trăng, được khắp đất nước Việt Nam biết đến. Theo lời kể của Trang Oliver-nhân viên thư viện, Chú Cuội, một người tiều phu tốt bụng, tình cờ phát hiện một cây đa thần kỳ có thể khiến người chết sống lại.
“Anh bí mật chứng kiến cảnh hổ con sống lại sau khi hổ mẹ cho con ăn lá cây. Chàng trai liền mang cây về trồng ở sân nhà. Trên đường về nhà, anh được dặn rằng chỉ được dùng nước tinh khiết để tưới cây, không bao giờ được tưới nước bẩn. Cuội yêu quý cây đa hơn tất cả — hơn cả vợ và gia đình anh. Thế là vợ anh nghĩ có lẽ nếu không còn cây nữa thì chồng sẽ chú ý đến mình hơn, liền múc nước bẩn đổ lên cây. Cây đa bắt đầu rung chuyển và rồi rễ cây trồi lên khỏi mặt đất, Chú Cuội chạy ra túm lấy cây và bị kéo lên trời. Đó là cách Chú Cuội đã lên đến cung trăng.”
Vì thế mỗi dịp Trung thu, vào lúc trăng tròn, trẻ em thắp đèn lồng để chiếu sáng đường đi. Hy vọng nhờ đó mà Cuội có thể tìm đường trở lại mặt đất.
Ở Trung Quốc, Hằng Nga (嫦娥) được biết đến là nữ thần mặt trăng, và câu chuyện nàng lên cung trăng rất khác với Chú Cuội của Việt Nam.
Hằng Nga (嫦娥) là vợ của một chàng trai dũng cảm. Mỗi ngày anh ra ngoài đều thấy mười mặt trời trên bầu trời, anh ta quyết định bắn hạ chín mặt trời, nên chỉ còn một. Các vị thần trên trời rất vui mừng nên đã ban cho anh một lọ thuốc trường sinh bất tử.
Sally Li, trợ lý thư viện song ngữ Trung Quốc chia sẻ: “Một kẻ tham lam có âm mưu đánh cắp lọ thuốc đó. Vì không muốn lọ thuốc quý hiếm rơi vào tay kẻ xấu, Hằng Nga đã uống hết lọ thuốc . Sau đó nàng bay tuốt lên mặt trăng… Vậy là năm nào người chồng cũng ngắm trăng để tìm người vợ của mình.”
Hãy cùng chúng tôi thưởng thức những câu chuyện truyền thống trên trong khi đón Tết Trung thu tại thư viện. Để tìm hiểu thêm về các câu chuyện vừa kể, quý vị có thể xem qua chuyên mục sách mừng Tết Trung thu.